Trong ngành tư liệu Sản xuất, mức chênh từ 3-5% là hầu như không cạnh tranh được nữa. Các quốc gia liên quan đến vụ kiện này sẽ có lợi thế hơn về mặt giá NVL đưa vào Sản xuất hàng xuất khẩu so với Việt nam.
Ngày 3-12, Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT) – Bộ Công Thương đã chính thức công bố Báo cáo sơ bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng inox cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc).
Vụ việc này bắt đầu từ tháng 7 khi Bộ Công thương quyết định chính thức điều tra. Theo quy định, đến tháng 10 thì Cục QLCT sẽ làm việc với các nguyên đơn, bị đơn và các bên liên quan để làm rõ các thông tin, xem xét việc các nhà xuất khẩu từ 4 quốc gia bị khởi kiện khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Việt nam có gây hại cho nguyên đơn là Posco VST và Hòa Bình hay không. Tuy nhiên do thời gian ngắn và lượng thông tin cần xác minh rất nhiều, cục QLCT đã gia hạn thời gian xử lý đến 02/12/2013. Kết luận sơ bộ ngày 3/12 là đề xuất sẽ áp thuế tạm thời mặt hàng thép cán nguội không gỉ từ mức khoảng 6,35% – 30,73% cho các thị trường khác nhau. Ngay sau đó, đại diện của gần 20 doanh nghiệp sử dụng inox làm nguyên liệu sản xuất đã có đơn kiến nghị lên Bộ Công thương về vấn đề này.
Để cung cấp thông tin rõ hơn cho bạn đọc, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Đàm Quang Hùng – Phó Tổng giám đốc của CTCP Quốc tế Sơn Hà (mã chứng khoán SHI).
Theo ông, quyết định của Bộ Công thương về việc áp thuế chống bán phá giá mặt hàng inox sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu này trong sản xuất như thế nào?
Nội dung chính
Ảnh hưởng của việc áp thuế này rất rõ.
Thứ nhất là về chủng loại sản phẩm. Thực ra, nếu trong trường hợp ở thị trường trong nước, các nhà Sản xuất mà cung cấp một cách đầy đủ các chủng loại mặt hàng cho các Doanh nghiệp Sản xuất cũng như đáp ứng được chất lượng về mặt sản phẩm thì câu chuyện sử dụng công cụ thương mại là thuế bán phá giá sẽ ảnh hưởng nhẹ đi.
Tuy nhiên, theo đề xuất của kết luận sơ bộ, tất cả các sản phẩm chủng loại về inox cán nguội với 4 mã HS cũng lên đến khoảng hơn 2500 chủng loại sản phẩm. Trong khi đó, hiện nay Posco VST mới cung cấp được 3 nhóm sản phẩm rất nhỏ. Về phía Inox Hòa Bình, các đơn vị liên quan đều cho ý kiến rằng phải xem xét lại tư cách của nguyên đơn này vì hiện nay Doanh nghiệp này chưa đưa vào Sản xuất thương mại các sản phẩm inox cán nguội. Vậy thì căn cứ vào đâu để xác định rằng chi phí Sản xuất của họ nhằm đưa ra mức giá thành và chứng minh là đang bị gây hại bởi nguồn nhập khẩu từ các quốc gia khác?
Thứ hai là chất lượng hàng hóa của Posco. Hiện nay trong thị trường nội địa, Sơn Hà cũng là một trong những khách hàng lớn nhất của Posco VST. Tuy nhiên tần suất xảy ra các lỗi về mặt chất lượng là thường xuyên.
Vì vậy, vấn đề đặt ra bây giờ là sẽ mua nguyên liệu từ đâu?
Hiện tại các Doanh nghiệp đang nhập khẩu từ 2 nhóm nước. Một là trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, Malaysia bị áp thuế đến 40%, Indonesia bị áp thuế 12%, Thái Lan thì chính là Posco Thái Lan kiểm soát. Như vậy trong ASEAN không còn quốc gia nào Sản xuất inox nữa.
Nguồn thứ 2 là quốc gia có quy chế FTA với Việt nam hoặc với khu vực Asean như Hàn Quốc, Trung Quốc. Song Hàn Quốc chính là Posco mẹ. Trung Quốc cũng đang bị kiện. Ấn Độ bị hạn chế bởi điều kiện liên quan đến Lindan ở Indonesia. Còn các quốc gia khác, ví dụ như từ Phần Lan, từ Đức, từ Brasil, từ Mỹ, thì chúng ta bị rào cản khác là rào cản về thuế quan là 10% thuế nhập khẩu. Như vậy thì các Doanh nghiệp sẽ không có cơ hội để tiếp cận mua trong một điều kiện bình thường được điều chỉnh bởi quy luật cung cầu.
Vậy ảnh hưởng đến Sơn Hà nói riêng như thế nào?
Công ty đã ký đơn hàng xuất khẩu đến tháng 4/2014. Với việc áp thuế từ 7 -30% này thì Sơn Hà ước tính mức lỗ khoảng chừng 2 triệu USD cho các đơn hàng xuất khẩu. Công ty vẫn bắt buộc phải mua hàng nhập khẩu từ nước ngoài về để Sản xuất, nếu trong trường hợp có quyết định chính thức về việc áp thuế thì giá nguyên liệu sẽ bị đội lên. Đã ký hợp đồng với khách hàng nước ngoài rồi thì vẫn phải thực hiện, dù lỗ là gần 2 triệu USD mà có lỗ hơn thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ của mình.
Hiện nay, thị trường xuất khẩu của Sơn Hà gồm hơn 20 nước. Châu Mỹ có Canada, Mỹ, Mehico, Ecuado, Venezuela, Brasil, Achentina. Châu Âu thì có Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Pháp. Châu Phi có Ai Cập. Châu Á có Indonesia, Singapore, Philipin, Lào, Ấn Độ. Thị trường chính vẫn là Nga, Thổ Nhĩ Kỹ và Mỹ.
Theo đó, về xuất khẩu ống thép inox, Sơn Hà đang bị cạnh tranh trực tiếp từ Thái Lan, Malaysia, Đài Loan, Trung Quốc. Trung Quốc đang xuất khẩu nguyên vật liệu sang Việt nam, có cộng thêm thuế thì so với nguyên vật liệu trong nội địa của họ vẫn có một chênh lệch. Làm sao mình cạnh tranh được nữa. Trong ngành tư liệu Sản xuất như thế này, với mức chênh từ 3-5% là hầu như không có khả năng cạnh tranh nữa. Malaysia cũng tương tự như vậy. Tất cả các quốc gia liên quan đến vụ kiện này, họ sẽ có lợi thế hơn về mặt giá nguyên vật liệu đưa vào Sản xuất hàng xuất khẩu đến các quốc gia khác so với Việt nam. Như vậy, với thị trường xuất khẩu với mặt hàng là ống thép inox thì hầu như là bị đóng cửa nếu bị đội giá thành.
Đối với mặt hàng ống thép công nghiệp sử dụng nguyên vật liệu là thép cán nóng thì còn có cửa, nhưng thông thường các đơn hàng là kết hợp giữa 2 chủng loại hàng, sử dụng cả nguyên liệu cán nguội và cán nóng nên nói chung về thị trường xuất khẩu rất là khó khăn.
Thị trường nội địa thì đương nhiên sức mua đang yếu, giá thành nội địa tăng thêm 5-20% thì người tiêu dùng cũng khó chấp nhận chi trả.
Việc này cũng đã ảnh hưởng đến KQKD quý 3/2013. Quý 4 dù có quyết định chính thức hay không thì cũng không sáng sủa. Doanh thu không bị ảnh hưởng nhiều, bởi vì với thị trường nội địa thì Sơn Hà đã tập trung để thiết lập kênh phân phối mới là các chi nhánh của Sơn Hà tại các tỉnh để làm tăng độ phủ thị trường. Nhưng về lợi nhuận thì ngay từ đầu năm đã lường được những khó khăn của năm 2013, để đạt được kế hoạch 10 tỷ là rất khó.
Ông cho rằng việc áp thuế này sẽ gây ra những hệ lụy gì đối với nền kinh tế trong nước?
Trong thị trường nội địa, người gánh chịu cuối cùng là người dân. Với ngành thép thì chi phí nguyên vật liệu chiếm khoảng 70% chi phí giá thành. Nếu tăng 7% thuế – 30% làm tăng giá thành lên 20-25%.Những chi phí đó, nhà Sản xuất sẽ chia sẻ một phần, nhưng không phải là phần lớn, bởi vì trong giai đoạn khó khăn vừa rồi, để đẩy hàng ra thị trường, các Doanh nghiệp cũng phải cắt hết lợi nhuận của mình để có thể tiêu thụ hàng hóa.
Khi nhà Sản xuất không bán được hàng, Sản xuất bị đình trệ, công nhân mất việc, nhưng quan trọng hơn là người tiêu dùng phải chi trả với một khoản tiền lớn hơn để được sở hữu một sản phẩm tương tự như trước đó. Điều này sẽ ảnh hưởng đến lạm phát.
Và việc tăng giá hàng nội địa sẽ thực hiện ngay từ tháng 1/2014.
Đến thời điểm này, các Doanh nghiệp chưa nhận được quyết định chính thức của Bộ công thương. Nếu đúng quy định thì hôm nay (9/12), sẽ có quyết định. Có thể Bộ đang xem xét một cách kỹ lưỡng hơn về hệ lụy khi áp dụng thuế chống bán phá giá.
Tuy nhiên dù quyết định là như thế nào, thì các Doanh nghiệp cũng là người lãnh hậu quả đầu tiên bởi vì ngay từ thời điểm 12/7 khi quyết định đi tiếp nhận đơn và điều tra chính thức thì các Doanh nghiệp đã phải tự cắt giảm sản lượng nhập khẩu nguyên vật liệu về để tránh tình trạng bị hồi tố thuế chống bán phá giá tạm thời. Vì theo quy định của WTO, người ta sẽ so sánh sản lượng của 3 tháng trước đấy, kể từ ngày có quyết định chính thức điều tra so với 3 tháng sau đấy mà sản lượng họ tăng quá lớn thì họ sẽ áp luôn mức thuế tạm thời với chống bán phá giá, và người ta truy hồi cho 3 tháng kể từ ngày chính thức điều tra. Sự sụt giảm này đã thể hiện qua số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan.
Dự kiến các Doanh nghiệp sẽ có đơn cầu cứu lên Thủ tướng chính phủ vì thực sự vấn đề này không chỉ liên quan đến một nhóm Doanh nghiệp sử dụng thép cán nguội mà còn ảnh hưởng đến quan hệ thương mại giữa Việt nam – Trung Quốc, với Malaysia, với Đài Loan. Có thể trong 4 nhóm nước ấy, với Đài Loan, quan hệ thương mại không quá lớn nhưng về mặt quan hệ chính trị kinh tế thì Việt nam – Trung quốc, Asean… là các vấn đề có thể Thủ tướng sẽ quan tâm và có chỉ đạo sao cho quyết định cuối cùng đảm bảo quyền lợi các bên và vấn đề an sinh xã hội.
Đối tác bên Malaysia cũng nói rất rõ, Posco Việt nam cũng đang xuất khẩu sang Malaysia, nếu áp thuế với họ, họ cũng sẽ áp dụng biện pháp tương tự bởi vì phòng vệ thương mại đứng ngoài các thỏa thuận về tự do thương mại.
Đây là vụ đầu tiên Việt nam đứng ra kiện các quốc gia khác về thuế chống bán phá giá nên cơ quan quản lý cũng khó bỡ ngỡ khi thụ lý cũng như giải quyết.
Trong đơn kiến nghị vừa gửi Bộ Công thương sau kết luận sơ bộ, các Doanh nghiệp có đề cập đến vấn đề độc quyền mặt hàng inox và chuyển giá của Posco VST. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
Posco VST ở Việt nam chỉ nhập khẩu thép cuộn cán nóng từ Posco Hàn Quốc hoặc Posco Trung Quốc về để gia công cán nguội trở thành thép cán nguội. Giá trị gia tăng trong đó chỉ từ 10-15%. Nhưng có những thời điểm giá nguyên vật liệu thép cán nóng của Posco mua vào gần như ngang bằng với giá thép cán nguội mà Posco bán ra thị trường Việt nam.Liệu có vấn đề là chuyển giá ở đây hay không. Theo một báo cáo của Posco, thì trong vòng 4 năm đầu tư, Doanh nghiệp này bị lỗ đến ngàn tỷ, nộp ngân sách rất ít.
Về độc quyền, với công suất sản xuất mà Posco quyết định đầu tư là 235.000 tấn/năm, đáp ứng khoảng 80% sản lượng tiêu dùng inox cán nguội ở thị trường Việt nam. Posco cho rằng họ đáp ứng được rồi, tại sao phải mua của quốc gia khác. Họ đang sử dụng sự bảo vệ của chính phủ đối với hoạt động sản xuất của họ để phục vụ cho quyết định đầu tư của họ.
Thế nhưng đây là một thế giới phẳng, nền kinh tế phải được điều chỉnh bởi các quy luật cung cầu. Ở đâu có nguồn cạnh tranh đáp ứng được về mặt chất lượng thì hàng hóa tự chảy tới.
Trong trường hợp chặn tất cả các nguồn từ các quốc gia khác thì việc họ chiếm tới 80% sản lượng tiêu dùng trong nước sẽ phát sinh vấn đề độc quyền. Khi đó họ sẽ tăng giá bán.
Xin cảm ơn ông.
Nguồn: Cafef