“Cuộc chiến inox”: Thép không gỉ không phải là chiếc Phantom!

Posco VST

Làn sóng phản đối lá đơn kiện chống bán phá giá của Posco VST – một DN FDI và Inox Hòa Bình đang lên cao, khi hơn 20 DN sản xuất các sản phẩm sử dụng inox trong nước cùng ngồi lại với nhau để chỉ ra nguy cơ thị trường thép không gỉ cán nguội bị thao túng bởi một vài “tay to”.

Chống bán phá giá hay độc chiếm thị trường?

Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, Bộ trưởng Bộ Công thương sẽ ra quyết định có hay không khởi xướng điều tra vụ kiện chống bán phá giá sản phẩm thép không gỉ (inox) cán nguội vào Việt Nam từ Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và Indonesia. Đơn vị đứng đơn kiện này, ngoài một công ty nội là Inox Hòa Bình, còn có Công ty TNHH Posco VST (Posco VSST) – một công ty FDI là con đẻ của tập đoàn Posco (Hàn Quốc).

Lý do mà hai đơn vị đang giữ 80% thị phần inox tại Việt Nam kiện đòi áp thuế chống bán phá giá từ 20% đến gần 40% là vì cho rằng giá inox nhập khẩu từ 4 thị trường trên thấp hơn nhiều so với giá sản phẩm cùng loại trong nước, tới mức 25%.

Hai DN này cũng dẫn số liệu nhập khẩu trong 3 năm từ 2009 tới 2011 để cho thấy ngành thép inox VN đang lép vế trước các đối thủ xuất khẩu. Cụ thể, Hòa Bình Inox và Posco VST cho biết thép inox nhập khẩu tăng tới 34% trong 3 năm này.

Tuy nhiên, những lý do và con số mà hai DN này dẫn ra đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của hơn 20 DN sản xuất sử dụng inox.

Trong lá thư gửi tới Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), đại diện các DN cho rằng số liệu và căn cứ mà Posco VST và Hòa Bình Inox đưa ra là số liệu nhập khẩu năm 2012, khi mà Hòa Bình Inox còn chưa… lắp ráp xong dây chuyền sản xuất inox cán nguội, còn Posco VST mới bắt đầu cán thử vào cuối năm.

Đến nay, mặc dù Posco VST đã đi vào hoạt động với công suất lớn, nhưng theo các DN thì nhà máy này không thể cung cấp tất cả các chủng loại inox cán nguội, nên đòi hỏi đánh thuế tất cả các sản phẩm inox cán nguội là chưa hợp lý.

“Về quan điểm cá nhân tôi thì đây là đề nghị nhằm hướng tới sự độc quyền, thao túng thị trường Việt Nam bởi một tập đoàn lớn của Hàn Quốc (Posco). Hiện nay Posco VST chỉ đang chờ đợi sự chấp thuận của Bộ Công thương để gặt hái những lợi ích to lớn từ chính những khách hàng, những người Việt Nam”, một vị đại diện DN nói thẳng trong thư.

“Lợi ích to lớn” mà các DN Việt Nam nhắc đến ở đây chính là sự độc chiếm thị trường, chặn đứng nguồn nguyên liệu có chất lượng với giá thành hợp lý từ nước ngoài, triệt tiêu sự cạnh tranh quốc tế.

Theo đó, nếu yêu cầu áp thuế chống bán phá giá tới 20% này thành hiện thực, thị trường VN coi như sẽ đóng cửa hoàn toàn với nguồn nguyên liệu inox cán nguội từ bên ngoài. Theo lý giải của các DN, từ khi mức thuế nhập khẩu mặt hàng này tăng từ 0% lên 5% rồi 10%, các DN ngoài việc phải mua nguyên liệu trong nước thì chỉ còn trông chờ vào các nhà cung cấp từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Bởi sản phẩm nhập khẩu từ các nhà máy của 4 quốc gia này vẫn ở mức 0% nhờ nằm trong khối ASEAN, AFTA và tham gia Hiệp định TPP. Nếu áp mức thuế 20%, các DN trong nước tiếp cận nguồn nguyên liệu nhập khẩu coi như “tự sát”.

Cũng theo phân tích của các DN: Không đợi đến khi yêu cầu áp thuế 20% thành hiện thực, trong thời hạn đơn kiện được đưa ra tòa, trong vòng một năm theo quy định thì các công ty bị kiện không thể xuất khẩu sang Việt Nam, và các DN Việt Nam không có lựa chọn nào khác là mua hàng của Posco VST.

“Nguy cơ thao túng”

Lo ngại về nguy cơ thao túng không chỉ được các DN đặt ra với thị trường, mà còn là với việc ban hành các chính sách nếu những nhà hoạch định thiếu tỉnh táo.

Câu chuyện mà các đơn vị sản xuất viện dẫn để minh chứng cho sự lo ngại này chính là giá bán thép inox cán nguội của Posco VST niêm yết tại VN hiện cao hơn khoảng 200 USD/tấn so với mặt bằng giá thế giới và so với chính giá của công ty này chào hàng cho các thị trường xuất khẩu của họ. Với mức giá này, Posco VST có thể thu lợi thêm hàng triệu USD mỗi năm tại thị trường Việt Nam, khi khách hàng chỉ có lựa chọn duy nhất là mua inox cán nguội của Posco VST.

Ngoài ra, các DN cũng đặt câu hỏi, vì sao nhiều đơn vị sản xuất inox khác trong nước như Hoàng Vũ, Hòa Bình, Tiến Đạt… vẫn hoạt động tốt gần 20 nay khi không có sự bảo hộ nào của nhà nước, nhưng từ khi Posco vào Việt Nam trong 3 năm trở lại đây thì gần như ngay lập tức, mức thuế nhập khẩu từ 0% đã lần lượt tăng lên 5% rồi 10%.

Một câu chuyện tưởng như khó hiểu khác mà các DN đặt ra và tự tìm câu trả lời là tại sao Posco VST chỉ yêu cầu áp thuế chống bán phá giá với 4 quốc gia Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Indonesia mà không phải là Thái Lan. Theo các DN, điều này đơn giản là vì nhà máy Thainox tại Thái Lan đã được Tập đoàn Posco mua lại cách đây 2 năm, và đến nay nhiều công ty có liên quan tới Posco tại Việt Nam vẫn nhập hàng với số lượng lớn từ Thái Lan với mức thuế 0%.

Câu chuyện thuế nhập khẩu đối với inox cán nguội đang được đem ra so sánh với thuế nhập khẩu ôtô, vốn cao chót vót ở VN và mang lại lợi ích to lớn cho các DN ôtô trong nước.

Nhưng ôtô và inox là hai ngành hàng hoàn toàn khác nhau, bởi ôtô là một mặt hàng phục vụ tiêu dùng, việc áp thuế nhập khẩu với ôtô chỉ ảnh hưởng tới một bộ phận người tiêu dùng, đồng thời còn giúp hạn chế những áp lực đối với hạ tầng giao thông vốn còn rất yếu kém trong nước.

Còn inox là một nguyên liệu cơ bản, phục vụ hàng chục ngành sản xuất quan trọng. “Mức thuế nhập khẩu 10% với một nguyên liệu cơ bản là rất cao, ảnh hưởng lớn tới hàng loạt DN và góp phần đẩy giá thành sản phẩm lên, rốt cục chỉ vài DN được lợi nhưng nhiều ngành hàng và người tiêu dùng cả nước cùng bị thiệt”, ông Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch tập đoàn SunHouse nói khi trao đổi với PV Dân trí.

Quay lại với vụ kiện chống bán phá giá inox cán nguội, đây là vụ kiện đầu tiên trong lĩnh vực này ở Việt Nam, với nhiều hiểu biết mới mẻ, và có ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều DN, nhiều ngành hàng và cả nền kinh tế nói chung. Mọi diễn biến hiện vẫn nằm trên bàn các nhà quản lý, mà cụ thể là Bộ Công thương, nhưng mọi quyết định cần được cân nhắc kỹ càng vì bài toán tổng lợi ích xã hội, chứ không phải vì lợi ích cục bộ của một hai DN hay một sự chi phối nào.

Đồng thời, các DN hiện đang hoang mang vì thiếu thông tin như lộ tình điều tra, các biện pháp tạm thời, khả năng bị truy thu thuế… đang cần thông tin kịp thời, minh bạch và những định hướng rõ ràng từ cơ quan quản lý để tránh những thiệt hại không đáng có.

Nguồn: Dantri

Để lại bình luận của bạn

Email của bạn sẽ được bảo mật. Dấu * là trường bắc buộc