Lần đầu tiên, từ đề nghị của doanh nghiệp VN, Cục Quản lý cạnh tranh (VCA) Bộ Công thương đã điều tra và công bố báo cáo sơ bộ, đề nghị áp thuế chống bán phá giá với thép không gỉ cán nguội.
Với kết luận thép nhập khẩu không gỉ có bán phá giá tại thị trường VN, lần đầu tiên Bộ Công thương có thể sẽ đưa ra quyết định cuối cùng áp thuế chống bán phá giá đối với nhiều nước kể từ khi pháp lệnh quy định về chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam được ban hành từ năm 2004. Trong ảnh: nhập khẩu thép tại cảng Bến Nghé, Q.7, TP.HCM
Nội dung chính
Chống cạnh tranh không lành mạnh
Nhiều chuyên gia đã thể hiện sự vui mừng khi lần đầu tiên VN khởi xướng, điều tra và đề nghị áp thuế chống bán phá giá đối với một mặt hàng, nhất là nó đến từ các quốc gia có lợi thế như Trung Quốc, Malaysia… với mức thuế từ 6,45-30,73%. Điều này cho thấy các cơ quan chức năng của VN đã bắt đầu “nhập cuộc”, tận dụng được các công cụ từ WTO, thay vì chỉ đi lo đối phó với các vụ kiện từ nước ngoài…
Tuy nhiên, đã có ý kiến cho rằng việc áp thuế chống bán phá giá sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích kinh tế – xã hội trong nước, nhất là các ngành sử dụng mặt hàng bị áp thuế chống bán phá giá (do thuế tăng sẽ đẩy giá lên). Trao đổi về nghiệp vụ với Tuổi Trẻ, một cán bộ quản lý tại VCA cho biết bản thân việc điều tra chống bán phá giá bao giờ cũng đối diện với những lợi ích trái ngược nhau.
Một số doanh nghiệp sản xuất trong nước (nguyên đơn) đề nghị chắc chắn bị thiệt hại, nên nhất quyết đề nghị phải áp thuế chống bán phá giá. Tuy nhiên, với các nhà nhập khẩu, bạn hàng của các đối tượng bị cáo buộc không muốn áp thuế cũng là bình thường, bởi họ có thể bị ảnh hưởng. “Vấn đề là mục tiêu cao nhất của việc điều tra là chống cạnh tranh không lành mạnh để bảo vệ sản xuất trong nước” – vị cán bộ này khẳng định.
Để có đề xuất áp thuế chống bán phá giá tạm thời như đã công bố, cơ quan chức năng phải điều tra các đối tượng bị cáo buộc đã bán hàng sang VN thấp hơn giá họ bán trong nước của họ, thấp hơn giá thành.
“Bản thân việc bán phá giá đã được WTO xác định là cạnh tranh không lành mạnh, vì vậy phải ngăn chặn nếu không các nhà sản xuất trong nước không thể trụ nổi, phá sản, thì các doanh nghiệp nước ngoài khi đó sẽ nâng giá, ảnh hưởng tới chính các nhà nhập khẩu VN” – vị cán bộ này cho hay.
Trước việc các nhà nhập khẩu, sản xuất inox có thể khó khăn khi thuế chống bán phá giá sắp được áp dụng, theo vị cán bộ VCA, áp thuế chống bán phá giá với các doanh nghiệp từ bốn nước bị cáo buộc bán phá giá đợt này không có nghĩa các doanh nghiệp sẽ phải nhập thép giá cao. Bởi với thép không gỉ từ nhiều nguồn khác như Hàn Quốc, Nga, Thái Lan… sẽ vẫn được giữ thuế như bình thường.
Và thực tế ngay trong báo cáo điều tra, cơ quan điều tra đã xét tổng lượng nhập khẩu từ bốn nước bị cáo buộc bán phá giá thép không gỉ vào VN, kết quả cho thấy trong năm 2010-2011, nhập từ bốn nước trên chiếm từ 72-76% lượng nhập khẩu (khoảng 69.000 tấn/năm). Trong cùng thời điểm, các nhà sản xuất VN còn nhập loại thép trên từ một số quốc gia khác chiếm 23-27% (khoảng 20.000 tấn/năm).
Với ý kiến cho rằng hàng hóa thuộc diện điều tra chống bán phá giá là mặt hàng trong nước chưa sản xuất được, báo cáo điều tra sơ bộ của VCA khẳng định đã loại bỏ chủng loại sản phẩm có độ dày trên 3,5mm, không được ủ hoặc xử lý nhiệt, bởi đúng mặt hàng này trong nước chưa sản xuất. Tuy nhiên, hàng hóa thuộc đối tượng điều tra và hàng sản xuất trong nước là có thể thay thế cho nhau, đang cạnh tranh trực tiếp với nhau.
Lo ngại giá bán tăng cao
Trước đó, ngay sau khi VCA công bố kết quả sơ bộ điều tra chống bán phá giá thép không gỉ cán nguội nhập khẩu, có ít nhất 18 doanh nghiệp sản xuất lớn trong ngành công nghiệp sản xuất inox đồng loạt “giãy nảy” vì cho rằng “lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất trong nước và người tiêu dùng chưa được xem xét một cách thỏa đáng, cân bằng với bên khởi kiện”.
Ông Phạm Quốc Vũ, phó tổng giám đốc CÔNG TY CỔ PHẦN QUỐC TẾ ĐẠI DƯƠNG O S S, cho rằng việc áp thuế sẽ chặn đứng khả năng tiếp cận nguyên liệu thép cán nguội không gỉ với mức giá cạnh tranh với mức giá cạnh tranh. “Giá do các doanh nghiệp khởi kiện cung cấp tại thị trường VN đang cao hơn từ 10-20% so với thị trường quốc tế, đồng thời các doanh nghiệp trong nước cũng chưa cung cấp được thép không gỉ cán nguội với giá, chất lượng và chủng loại hợp lý” – ông Vũ nói.
Theo ông Vũ, công ty ông đã ký hợp đồng xuất khẩu ống thép không gỉ khoảng 2.000 tấn cho đầu năm 2014, nhưng hiện ông vẫn không biết mua nguyên liệu ở đâu. Theo tính toán của ông Vũ, nếu áp thuế chống bán phá giá, loại thép không gỉ để sản xuất tủ inox nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ bị đội giá thêm tới 157 USD/tấn (hiện giá đang ở mức 2.140 USD/tấn). Trong khi đó, nếu mua từ Posco VST giá lại cao hơn giá nhập khẩu đến 21% và “không thích hợp cho việc sản xuất loại sản phẩm này” – ông Vũ khẳng định.
Ông Trần Tuấn Minh, tổng giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Minh Hữu Liên, cũng khẳng định: “Chúng tôi sẽ bế tắc do đầu vào không có nguồn nguyên liệu thay thế, hoặc phải mua nguyên liệu giá cao vô lý bởi sự độc quyền của Posco VST (Hàn Quốc) và Công ty CP inox Hòa Bình do đang chiếm tới 81,1% thị phần”. Điều này sẽ dẫn đến công ty phải tăng giá bán và người tiêu dùng sẽ “lãnh đủ”. Mặt khác còn nguy cơ đền bù các hợp đồng đã ký, ngưng trệ hoạt động xuất khẩu.
Sẽ tiếp tục điều tra
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện VCA cho biết sau khi công bố báo cáo sơ bộ, VCA đã đề xuất lãnh đạo Bộ Công thương quyết định áp mức thuế chống bán phá giá tạm thời lên các đối tượng bị cáo buộc (có thời hạn 120 ngày). Tiếp theo, VCA sẽ đi kiểm tra trực tiếp các đối tượng bị cáo buộc bán phá giá vào VN (tại các quốc gia, vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan…). Cơ quan điều tra có quyền yêu cầu doanh nghiệp cung cấp tất cả tài liệu, thậm chí đã có doanh nghiệp phải cung cấp tới 320.000 giao dịch. Báo cáo sơ bộ được đưa ra cơ bản dựa trên thông tin do chính doanh nghiệp cung cấp. Kiểm tra trực tiếp nếu phát hiện các doanh nghiệp khai không đúng, hoặc trên cơ sở giải trình, cơ quan điều tra sẽ tính toán lại mức độ bán phá giá vào VN, từ đó đề xuất mức thuế tương ứng.
Diễn biến vụ việc
– Ngày 3-6-2013, Công ty TNHH Posco VST và Công ty CP inox Hòa Bình giữ vai trò nguyên đơn nộp đơn kiện chống bán phá giá mặt hàng thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan.
– Ngày 2-7-2013, Bộ Công thương quyết định khởi xướng điều tra theo đơn kiện. Cục Quản lý cạnh tranh giữ vai trò điều tra trong vụ kiện.
– Ngày 30-9-2013, Cục Quản lý cạnh tranh thông báo gia hạn thời hạn công bố quyết định sơ bộ, chậm nhất tới ngày 2-12-2013.
– Ngày 2-12-2013, Cục Quản lý cạnh tranh công bố kết quả điều tra sơ bộ vụ việc.
Kết luận cuối cùng sẽ do Bộ Công thương công bố, dự kiến được ban hành sau 12 tháng kể từ ngày khởi xướng điều tra.
Theo: Tuổi trẻ