Việc Bộ Công thương thụ lý, điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội (TKGCN) theo đơn khởi kiện của các công ty POSCO VST và Hòa Bình Inox đang gây ra nhiều quan ngại trong cộng đồng doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lĩnh vực này.
Nguyên đơn độc chiếm thị trường
Sự việc lùm xùm trên đã kéo dài gần 1 năm qua. Tuy nhiên, đỉnh điểm của vấn đề trở nên nóng bỏng khi cộng đồng doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mặt hàng TKGCN liên tục gửi đơn kiến nghị đến cơ quan chức năng từ hồi tháng 7-2013, thời điểm Bộ Công thương ký quyết định thông báo về việc điều tra vận dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng TKGCN nhập khẩu từ 4 quốc gia và vùng lãnh thổ: Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và lãnh thổ Đài Loan vào Việt Nam.
Trên thực tế, trong môi trường kinh doanh hội nhập toàn cầu như hiện nay, đặc biệt khi Việt Nam là thành viên của WTO, AFTA… việc doanh nghiệp đề nghị các cơ quan chức năng để tự bảo vệ mình bằng các công cụ phòng ngự thương mại hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là việc POSCO VST và Hòa Bình Inox kiện áp dụng biện pháp chống bán phá giá sản phẩm TKGCN trong trường hợp này sẽ dẫn tới rất nhiều hệ lụy, gây ảnh hưởng xấu tới thị trường trong nước, chứ không mang lại sự bảo hộ như các vụ kiện chống bán phá giá khác. Đặc biệt, chỉ hai doanh nghiệp POSCO VST và Hòa Bình Inox không thể đại diện cho nền sản xuất nội địa lĩnh vực TKGCN để khởi kiện chống bán phá giá. Chưa kể, đến thời điểm này cả POSCO VST và Hòa Bình Inox, xét về năng lực còn nhiều hạn chế, không thể cung ứng sản phẩm đảm bảo chất lượng cho thị trường, đồng thời vẫn phụ thuộc 100% vào nguồn nhập khẩu nguyên liệu cán nóng (HR).
Chỉ bảo hộ gia công
Theo ông Liu Kuo Wei, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Ever Force, hiện tại ở Việt Nam chưa sản xuất được inox. Do đó, việc POSCO VST và Hòa Bình Inox kiện chống bán phá giá nhằm mục đích bảo hộ công đoạn gia công như: cán, tẩy gỉ của chính các công ty này. Thực tế, quy trình sản xuất của POSCO VST chỉ là một công đoạn gia công làm tăng thêm được khoảng 10% giá trị của sản phẩm đầu ra. “Nếu hai doanh nghiệp đứng đơn kiện sản xuất được nguyên liệu inox tại Việt Nam, tức đảm bảo các khâu từ nấu chảy đến ra phôi và cuộn cán, mà chúng tôi vẫn nhập khẩu không ủng hộ hàng trong nước mới cần bàn. Đằng này, họ cũng chỉ là doanh nghiệp gia công cho công ty mẹ ở nước ngoài từ cán nóng sang cán nguội tiêu hao điện rất nhiều; trong khi đó, giá cả cán nguội cao hơn so với giá cả nhập khẩu từ nước ngoài về. Tại sao bảo hộ cho công đoạn gia công tăng giá trị 10% mà “giết chết” các công đoạn khác làm tăng giá trị từ 15% – 40% của các doanh nghiệp chúng tôi” – ông Liu bày tỏ bức xúc. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh TKGCN khác cũng cho rằng, nếu mua hàng trong nước của POSCO VST sẽ không thể cạnh tranh được với các nước khác khi xuất khẩu do giá quá cao và chất lượng nguyên liệu không tốt. “Rất nhiều khách hàng của công ty chúng tôi không đồng ý ký hợp đồng mua ống nếu mua nguyên liệu của POSCO VST. Mặt khác, chúng tôi cũng rất khó hạch toán giá thành nếu mua nguyên liệu của POSCO VST với giá cao xấp xỉ giá ống mà doanh nghiệp chúng tôi xuất khẩu. Trong khi đó, hiện giá ống này không do Việt Nam mà do thị trường cạnh tranh quốc tế xác lập” – ông Liu Kuo Wei phân tích thêm.
Trên thực tế, POSCO VST đã thừa nhận cùng với các công ty liên quan của mình là POSCO VHPC đã nhập khẩu sản phẩm tương tự từ trước và trong giai đoạn điều tra. Hiện các đơn vị này vẫn đang tiếp tục nhập khẩu TKGCN với số lượng lớn từ các công ty thuộc Tập đoàn POSCO (POSCO Asia, Deawoo International Corporation và POSCO – Thainox). Ước tính, có khoảng 39.000 tấn TKRCN được các công ty POSCO nhập khẩu từ năm 2012 đến nay và đáng lưu ý, trong giai đoạn trước và ngay trong thời gian nộp đơn kiện, từ tháng 1 đến tháng 8-2013, POSCO VST tiếp tục nhập khẩu TKGCN. Bên cạnh đó, dữ liệu cũng cho thấy Hòa Bình Inox và công ty con là Công ty Thương mại Huy Hoàng cũng đã nhập TKGCN từ các nước bị điều tra trong cùng giai đoạn đó. Theo lập luận của các doanh nghiệp gửi thư kiến nghị, chỉ với việc chính doanh nghiệp đứng ra nhập khẩu mặt hàng mình đang cáo buộc bán phá giá trong thời điểm sau khi đã nộp đơn khởi kiện và có quan hệ liên kết với các nhà xuất nhập khẩu mặt hàng này, POSCO VST và Hòa Bình Inox không đáp ứng điều kiện để nộp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá đại diện cho ngành sản xuất trong nước theo quy định của pháp luật WTO và pháp luật Việt Nam về chống bán phá giá. Do vậy, vụ kiện này ngay từ đầu đã vô lý và chưa có tiền lệ trên thế giới!
Theo Hiệp định Chống bán phá giá của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), khái niệm “ngành sản xuất trong nước” được hiểu là toàn bộ các nhà sản xuất trong nước hoặc một nhóm các nhà sản xuất mà sản lượng của họ gộp lại chiếm một tỷ lệ chủ yếu trong tổng sản lượng nội địa. Với điều kiện các nhà sản xuất đó không có quan hệ liên quan với các nhà xuất khẩu hoặc nhập khẩu và chính họ không phải là những nhà nhập khẩu sản phẩm bị cáo buộc bán phá giá. Khoản 5 Điều 2 Pháp lệnh số 20/2004 cũng quy định: “Ngành sản xuất trong nước” phải đáp ứng được tiêu chí là không nhập khẩu sản phẩm tương tự và không liên kết trực tiếp tới các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa bị điều tra.
Nguồn: sggp