Bức tranh màu xám của thép không gỉ châu Á

cuộn inox Thép không gỉ

Quan hệ thương mại Mỹ – Trung ngày càng căng thẳng khiến thị trường lo ngại nhu cầu tiêu thụ thép không gỉ sẽ suy yếu và giá sẽ tăng hạn chế.

Ở thị trường Hong Kong, giá thép không gỉ hiện khoảng 2.000 USD/tấn, tăng 5% so với đáy được ghi nhận vào tháng 1 do giá crom và nickel tăng. Tuy nhiên, các công ty giao dịch và người quan sát thị trường dự đoán giá thép sẽ chỉ tăng nhẹ trong thời gian tới do dư cung.

Giám đốc một công ty giao dịch cho biết các nhà sản xuất đang tìm cách nâng giá xuất khẩu do giá vật liệu lên cao. Tuy nhiên, giá thị trường được dự báo vẫn ở mức hiện nay do một số yếu tố không mấy tích cực, như tồn kho tăng, nhu cầu yếu.

Trước đó, kể từ mùa hè năm 2018 đến đầu năm nay, giá thép giảm 20%, chủ yếu do lo ngại về chiến tranh thương mại.

Dư cung tại Trung Quốc

Trung Quốc, nước sản xuất thép không gỉ lớn nhất thế giới, là mối lo ngại lớn nhất của thị trường. Kinh tế tăng trưởng trì trệ kèm theo hậu quả từ cuộc chiến thương mại với Mỹ nhanh chóng làm giảm nhu cầu tiêu thụ tại thị trường này.

Để hạn chế dư cung quá lớn, một phần thép thừa được cho là xuất khẩu sang Đông Nam Á, Hàn Quốc và Nhật Bản. Đồng thời, cơ quan chức năng Trung Quốc hồi tháng 3 cũng dự kiến áp thuế chống bán phá giá đối với thép không gỉ cuộn cán nóng được nhập khẩu từ các nước khác như Nhật Bản.

Tình hình tưởng như cải thiện hơn đối với Trung Quốc khi nhu cầu có xu hướng phục hồi từ sau Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, theo một nhà giao dịch Nhật Bản, tâm lý lo ngại vẫn còn do thiếu động lực tiêu thụ bền vững.

Diễn biến giá thép không gỉ mới nhất tại Hong Kong. Ảnh: Nikkei Asian Review.
Diễn biến giá thép không gỉ mới nhất tại Hong Kong. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Chuỗi tiêu thụ luẩn quẩn

Indonesia là nơi Tsingshan – công ty sản xuất thép không gỉ lớn nhất thế giới của Trung Quốc – đang hoạt động. Tsingshan bắt đầu sản xuất tại Indonesia từ năm 2016 khiến năng suất sản xuất và xuất khẩu của quốc gia này tăng mạnh, với thị trường tiêu thụ chính là Hàn Quốc.

Trong bối cảnh thép không gỉ từ Trung Quốc và Indonesia ồ ạt vào, các nhà sản xuất của Hàn Quốc buộc phải tìm thị trường mới. Mỹ là thị trường được cân nhắc. Tuy nhiên, dư địa để xuất khẩu sang thị trường này bị hạn chế do Washington đang áp hạn ngạch nhập khẩu thép đối với Hàn Quốc. Khi đó, Nhật Bản và các thị trường khác trở thành đích ngắm.

Tại Nhật Bản, cùng với tình trạng tồn kho trong nước ở mức cao, tình trạng nhập khẩu gia tăng khiến giá thép không gỉ giảm lần đầu tiên trong gần 3 năm qua. Nhập khẩu mặt hàng này của Nhật Bản tăng 7% trong năm 2018 và đạt 222.159 tấn.

Giá thép không gỉ tại Nhật Bản hiện loanh quanh ở 355.000 yên/tấn (3.205 USD/tấn).

Bản thân cán cân cung – cầu tại Nhật Bản cũng là một vấn đề. Nhu cầu tiêu thụ của các ngành công nghiệp như xây dựng và ôtô đều ổn định nhưng các đơn hàng xuất khẩu thiết bị bán dẫn, cơ khí và một số sản phẩm khác lại bị đình trệ do phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Trong khi đó, chính Trung Quốc cũng đang rơi vào tình trạng dư thừa nguồn cung thép không gỉ, và nhu cầu suy yếu do kinh tế bị thiệt hại vì chiến tranh thương mại.

Ban biên tập Inox Đại Dương
Theo: NDH

Để lại bình luận của bạn

Email của bạn sẽ được bảo mật. Dấu * là trường bắc buộc